Nghiên cứu ứng dụng vệ tinh viễn thám có độ phân giải cao trong đánh giá ô nhiễm bụi và các ảnh hưởng sức khỏe có liên quan ở khu vực miền Bắc của Việt Nam

Chủ trì: PGS. TS. Nguyễn Đức Lượng

Năm thực hiện: 2018-2020

Cơ quan tài trợ: Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED), Bộ KH&CN

 

Biến đổi AOD theo các tháng trong năm trong giai đoạn 2010-2016 ở khu vực miền Bắc

 

Mục tiêu của nghiên cứu là ứng dụng vệ tinh viễn thám MODIS có độ phân giải cao trong đánh giá ô nhiễm bụi PM và ảnh hưởng sức khỏe do phơi nhiễm với ô nhiễm bụi PM trong giai đoạn 2010-2016 cho một số tỉnh/thành ở miền khu vực miền Bắc của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, các bộ số liệu về bụi PM (PM10, PM2.5) đo tại các trạm quan trắc mặt đất, số liệu khí tượng, số liệu về độ dày quang học sol khí (AOD) thu nhận từ vệ tinh MODIS có độ phân giải 10 km x 10 km và mạng lưới quan trắc mặt đất AERONET cho giai đoạn 2010-2016 sẽ được thu thập từ các nguồn khác nhau và phân tích cho khu vực nghiên cứu. Mối quan hệ thực nghiệm theo vùng và theo mùa giữa số liệu vệ tinh MODIS AOD và số liệu bụi PM của các trạm đo trên mặt đất sẽ được đánh giá cho các khu vực nghiên cứu thông qua việc áp dụng các mô hình hồi quy tuyến tính với sự xem xét các yếu tố khí tượng. Dựa trên mô hình thực nghiệm thể hiện tốt nhất mối quan hệ giữa MODIS AOD và bụi PM, đề tài sẽ đánh giá sự biến đổi theo không gian và thời gian của nồng độ bụi PM trên bề mặt với việc sử dụng số liệu MODIS AOD, và xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi PM cho khu vực nghiên cứu. Đồng thời, đề tài sẽ đánh giá sơ bộ dân số phơi nhiễm với ô nhiễm bụi PM cho khu vực nghiên cứu dựa trên các bản đồ ô nhiễm bụi PM được xây dựng.