Mô hình Fablab: Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên Kỹ thuật Môi trường

Với mục đích nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo nhằm tìm ra các giải pháp về vấn đề môi trường cho thế hệ trẻ, Panda Lab đã kết hợp với trường Đại học Xây dựng tổ chức Workshop: "Nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo chống lại rác thải nhựa".


Khuôn viên trường Đại học Xây dựng

Workshop được tổ chức trong năm ngày liên tục với mục đích giới thiệu và đào tạo cho các bạn sinh viên về đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề về rác thải và rác nhựa đại dương. Nội dung giảng dạy của Workshop tập trung vào phương pháp Thiết kế tư duy (Design Thinking) được thực hiện bởi chuyên gia về đổi mới sáng tạo của Panda Lab, WWF và giảng viên khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng.

Thiết kế tư duy (TKTD) là một trong những phương pháp sáng tạo ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề. Phương pháp này lấy con người làm đối tượng trung tâm, giúp sáng tạo ra các sản phẩm tốt hơn hay đưa ra các giải pháp hữu ích hơn với triết lý xuyên suốt là phục vụ con người và được các chuyên gia hướng dẫn thực hiện các bước trong quy trình TKTD bao gồm: Đồng cảm (Empathize) - Xác định vấn đề (Define problem) - Ý tưởng (Ideate) - Xây dựng mô hình mẫu (Prototype ) - Thử nghiệm (Test). Các bạn trẻ được tự mình khám phá nhu cầu của đối tượng mình hướng tới, đưa ra giải pháp và đánh giá độ khả thi từ đó đưa ra những giải pháp giải quyết được vấn đề rác thải - rác nhựa phù hợp cho các đối tượng mình phục vụ.


Sinh viên thực hành sáng tạo các giải pháp liên quan đến xử lý rác thải nhựa

Chủ đề trong Workshop lần này là rác thải nhựa và những ảnh hưởng của rác nhựa tới môi trường. Mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Dù chỉ đem lại tiện ích trong ít phút, nhưng những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút... phải mất từ 200 đến 500 năm mới có thể phân hủy và tiếp tục tồn tại trong môi trường dưới dạng các hạt vi nhựa. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhóm sinh viên tham dự workshop sẽ là áp dụng phương pháp TKTD để phát triển ra những sản phẩm, giải pháp giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa.

Workshop được các giảng viên thực hiện giảng dạy bằng phương pháp học tập thông qua trải nghiệm, các sinh viên tham gia vừa được học lý thuyết kết hợp thực hành trong năm ngày liên tục. Các bạn sinh viên được hướng dẫn thông qua mô hình 4 bước: Thấu hiểu sâu sắc về vấn đề và nhu cầu xung quanh, biết được khó khăn hay động lực tiềm ẩn của đối tượng cần phục vụ; Xác định trọng tâm vấn đề từ đó đưa ra các ý tưởng sáng tạo; Thiết kế mẫu ý tưởng, hữu hình hóa bằng các mô hình sản phẩm; Cuối cùng là thử nghiệm sản phẩm, nhận phản hồi và hoàn thiện sản phẩm.


Nhóm sinh viên tham dự Workshop

Workshop đã giúp cho sinh viên nắm được phương pháp TKTD, đổi mới sáng tạo cũng như có thêm kiến thức chuyên môn về môi trường, đặc biệt là rác thải và rác nhựa. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn được phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thiết kế, triển khai và vận hành thử trong suốt quá trình cùng nhau tạo ra sản phẩm. Các bạn sinh viên đã thực sự hứng thú trong suốt quá trình khi được làm việc cùng nhau, thậm chí đến đêm để cùng giải quyết các vấn đề, tháo gỡ những mâu thuẫn trong quá trình làm nhóm, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tạo ra một sản phẩm thực sự của nhóm.

Kết thúc workshop, đã có những ý tưởng được đánh giá cao về tính ứng dụng cũng như phản hồi tích cực của người dùng như "Mô hình máy dọn rác trên mặt nước" với động cơ chạy bằng pin và có thiết bị vớt rác trên bề mặt ao, hồ; "Ứng dụng bắt rác nhựa" thiết kế cho máy điện thoại thông minh giúp cho người dùng nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và góp phần thu gom và tái chế rác nhựa...v…v.. Các ý tưởng và mô hình sản phẩm cho thấy sự sáng tạo, năng động, ham học hỏi của các bạn sinh viên khoa Kỹ thuật Môi trường - Đại học Xây dựng.

Kết quả của Workshop cũng cho thấy kỹ năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vô cùng quan trọng đối với sinh viên thế kỷ 21. Các kỹ năng này giúp cho các bạn sinh viên dễ dàng tìm được phương pháp tiếp cận phù hợp để hiểu khách hàng và đưa ra các giải pháp, tạo ra sản phẩm tốt nhằm giải quyết các vấn đề thực tế trong tương lai. Đây cũng chính là những mong mỏi từ phía doanh nghiệp đối với người lao động cũng như là tiền đề để các bạn có năng lực, có khát vọng khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Môi trường, thuộc khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng được xây dựng theo tiếp cận C-D-I-O. Mô hình phòng thí nghiệm chế tạo (Fabrication Laboratory - FabLab) của khoa Kỹ thuật môi trường đang nằm trong dự định được xây dựng để phục vụ việc đào tạo kỹ năng về đổi mới sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp và các kỹ năng nghề nghiệp quan trọng cho sinh viên. Dự án về nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo để chống lại rác thải nhựa với WWF cũng như các dự án khác về khoa học - kỹ thuật là những nội dung đào tạo nằm trong chương trình đào tạo Kỹ thuật Môi trường, và cũng là hoạt động thử nghiệm mô hình Phòng thí nghiệm chế tạo (FabLab) trong đào tạo nâng cao năng lực cho sinh viên của ngành.

Thông tin liên hệ:

Văn phòng Khoa KTMT: Phòng 316 - nhà A1

Trường Đại học Xây dựng, số 55 đường Giải phóng, Hà Nội

ĐTDĐ: 098 6071 182 ĐTCĐ: (024) 3869 1830

Facebook: https://www.facebook.com/moitruongnuce


Ban Truyền Thông Khoa KTMT

Nguồn: Trường Thịnh (dantri.com.vn)