Giới thiệu chuyên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình
1. Giới thiệu chuyên ngành đào tạo, thời gian đào tạo, cấp bằng
1.1. Giới thiệu chuyên ngành:
Hệ thống kỹ thuật trong công trình là một trong những chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có truyền thống đào tạo lâu năm của trường Đại học Xây dựng. Chuyên ngành này đào tạo ra các kỹ sư có nhiệm vụ tạo dựng và tích hợp chặt chẽ các hệ thống kỹ thuật trong công trình, bao gồm hệ thống thống gió điều hòa không khí, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thang máy, hệ thống điện chiếu sáng - động lực - thông tin liên lạc với kiến trúc và kết cấu công trình để tạo ra các tòa nhà hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiện nghi và an toàn của tất cả cư dân sống và làm việc trong công trình.
Sinh viên tham gia các buổi seminar chuyên ngành
Chuyên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình đang thực hiện đổi mới đào tạo theo định hướng CDIO (C - Conceive - Hình thành ý tưởng, D - Design - Thiết kế, I - Implement - Triển khai, O - Operate - Vận hành) nhằm tạo ra các kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng hành nghề thành thạo và thái độ làm việc tích cực để đáp ứng yêu cầu xã hội ngày càng cao.
1.2. Thời gian đào tạo và cấp bằng
- Cử nhân (4 năm)
- Kỹ sư (tương đương trình độ thạc sĩ: 5 ÷ 5,5 năm)
2. Kiến thức, kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên ngành, kỹ năng thực hành nghề và thái độ làm việc để tham gia thiết kế, thi công xây lắp, giám sát và vận hành các hệ thống kỹ thuật trong công trình hiệu quả nhằm đảm bảo điều kiện sống và làm việc an toàn và tiện nghi, đồng thời đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm trong công trình, hướng tới mục tiêu phát triển xây dựng xanh bền vững.
Sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp, nhà máy
3. Cơ hội học bổng và hỗ trợ học tập
Sinh viên chuyên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình có rất nhiều cơ hội để giành các suất học bổng từ các hãng nổi tiếng như Daikin, Mitsubishi Electric, Mitsubishi Heavy, LG, Panasonic, DuctSox, … Các suất học bổng toàn phần lên đến 25 triệu đồng/năm.
4. Cơ hội việc làm
Kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình thường làm việc tại:
- Các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Sungroup, ...;
- Các công ty tư vấn thiết kế trong lĩnh vực cơ điện công trình trong nước và ngoài nước như CDC, VNCC (Việt Nam), PTA (Úc), Wim Boydens (Bỉ), Kume Design Asia, Taikisha (Nhật),…;
- Các công ty thi công, lắp đặt, giám sát các hệ thống cơ điện công trình trong nước và nước ngoài như Lilama, REE, Sigma, Hawea (Việt Nam), Nitox, Bousai Kikaku (Nhật Bản), …;
- Các tập đoàn sản xuất, phân phối thiết bị cơ điện lớn trên thế giới như Daikin, Mitsubishi, Panasonic, LG, …;
- Các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, …;
- Các viện nghiên cứu, các trường đại học, trường cao đẳng;
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình luôn được các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ điện công trình chào đón tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương khởi điểm hấp dẫn. Những năm gần đây, nhiều Công ty của Nhật đã tuyển thẳng các em sinh viên năm cuối sang làm việc tại Nhật Bản.
Đo đạc lấy số liệu phục vụ nghiên cứu khoa học
Tham gia các hoạt động ngoại khóa như CLB tiếng anh...
...hay tham gia các giải thể thao thường niên của Ngành, của Khoa
5. Cơ hội học tập bậc sau đại học
Kỹ sư Hệ thống kỹ thuật trong công trình có thể theo học cao học, thực tập sinh, nghiên cứu sinh theo chuyên ngành tương đương tại một loạt các trường Đại học trên thế giới tại Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, …
6. Liên hệ
Bộ môn Vi khí hậu - Môi trường Xây dựng, Khoa Kỹ thuật Môi trường,
Phòng 705 nhà Thí nghiệm, Trường Đại học Xây dựng;
Điện thoai: (024)38697035; Fax: 04-38693714;
Email: bm.vkh@nuce.edu.vn;
Hoặc liên hệ trực tiếp với:
PGS.TS. Trần Ngọc Quang - Trưởng Bộ môn Vi khí hậu – Môi trường Xây dựng, Điện thoại di động: 0942 512 366
Nguồn: Tuyển sinh Đại Học Xây Dựng