15/15 đề tài thuộc Tiểu Ban Khoa KTMT tham gia đều đạt giải

Xin chúc mừng tất cả các bạn sinh viên tham gia báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ Sinh viên đợt 1 năm nay. Khoa KTMT tham gia 15 đề tài đều có giải, trong đó: 02 giải nhất; 03 giải nhì, và 10 giải ba. Danh sách giải xem tại đây.

Các đề tài của Khoa KTMT tham gia báo cáo đợt này giải quyết rất nhiều bài toán về các vấn đề môi trường, và năng lượng. Những vấn đề này không chỉ đang diễn ra ở các nước đang phát triển như Việt nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như Làm sao để nâng cao hiệu quả xử lý cho các hệ thống xử lý nước thải ra từ nguồn thải công nghiệp, hoặc từ sông hồ bị ô nhiễm? Tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại các đô thị, thành phố lớn hiện nay ra sao?, Làm cách nào để cải thiện quá trình thiết kế và vận hành hiệu quả cho các hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà? Nên quy hoạch các hồ, đập thủy điện ở nước ta như thế nào?

ThS. Nguyễn Thành Trung - Phó trưởng Khoa KTMT, Chủ tịch hội đồng khai mạc hội nghị

Hai giải nhất của Tiểu ban Khoa KTMT được xét cho 02 đề tài xử lý các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước. Giải nhất thứ 01 thuộc về nhóm hướng dẫn bởi ThS. Dương Thu Hằng. Đề tài có tên là Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của độ PH và vai trò của methanogens đến khả năng phân hủy protein trong nước thải công nghệ thực phẩm và thu hồi carboxylate mạch ngăn. Trong xử lý nước thải công nghiệp thực phẩm, đặc biệt có hàm lượng đạm cao, việc tối ưu hóa quá trình phân hủy và tăng khả năng thu hồi các hợp chất có giá trị kinh tế từ nước thải là mục tiêu rất quan trong. Nhóm nghiên cứu tiến hành đo đạc trong phòng thí nghiệm, sau đó đánh giá ảnh hưởng của pH và vai trò của nhóm vi sinh vật methanogens trong quá trình phân hủy đạm trong nước thải công nghiệp thực phẩm và khả năng thu hồi carboxylate mạch ngắn. Tóm tắt của đề tài này xem tại đây.

Một phương pháp khác để xử lý nước thải là ứng dụng hệ thống bãi lọc trồng cây. Một trong những yếu tố quan trọng xảy ra trong hệ thống này là quá trình nitrat hóa. Đề tài được hội đồng đánh giá cao và trao giải nhất thứ 02 giải quyết vấn đề này. Tên đề tài là Nghiên cứu và đánh giá khả năng khử nitrat của mô hình bãi lọc trồng cây kết hợp với hệ thống mẫu định hình dòng chảy trong xử lý nước hồ bị ô nhiễm, được hướng dẫn bởi PGS. TS. Lều Thọ Bách và ThS. Ứng Thị Thúy Hà. Tóm tắt của đề tài này xem tại đây. Trong công nghệ xử lý nước thải sử dụng bãi lọc trồng cây, hàm lượng oxy hòa tan (Dissolved Oxygen - DO) là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý, nên thu hút được nhiều sự quan tâm. Một nhóm sinh viên khác cũng được hướng dẫn bởi Th.S Ứng Thị Thúy Hà đã thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm về vấn đề này. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc kiểm soát tốt hàm lượng oxy hòa tan có thể giúp tăng cường đáng kể hiệu quả xử lý của bãi lọc trồng cây. Tóm tắt của đề tài này xem tại đây. Đề tài này được hội đồng đánh giá trao giải ba. Kết quả của các nghiên cứu trên có tính ứng dụng cao trong xử lý nước thải, nhằm tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường.

Hội đồng nghiệm thu số 01 và các em sinh viên - PGS. TS. Đăng Thị Thanh Huyền (Chủ tịch hội đồng); ThS. Nguyễn Văn Sỹ (Ủy viên thư ký); ThS. Nguyễn Huy Tiến (Ủy viên); TS. Đồ Hồng Anh (Ủy Viên); ThS. Trần Hoài Lê (Ủy viên)

Tiết kiệm năng lượng, đơn giản quá trình thiết kế, và nâng cao hiệu quả vận hành các hệ thống kỹ thuật trong công trình là chủ đề nghiên cứu thu hút nhiều đề tài tham dự nhất (tới 07/15 đề tài). Thông gió và ĐHKK – hai trong những hệ thống được đánh giá là tiêu thụ điện năng nhiều nhất trong công trình, lĩnh vực này thu hút 06 đề tài. 01 đề tài còn lại giải quyết vấn đề giảm thất thoát, lãng phí nước sạch trên hệ thống đường ống cung cấp nước đô thị. Được đánh giá cao nhất trong nhóm 07 đề tài này là “Nghiên cứu giải pháp thông gió thu hồi nhiệt để tiết kiệm năng lượng và lọc bụi cho các nhà mặt phố”. Đề tài này được hướng dẫn bởi ThS. Nguyễn Thành Trung và được trao giải nhìĐề tài này thực hiện 02 nội dung chính sau: 1) Nhóm nghiên cứu đo đạc và tính toán tải lượng phát thải từ các phương tiện giao thông, sau đó mô phỏng lượng khí phát tán vào bầu không khí trên 02 tuyến đường của Hà Nội sử dụng phần mềm Metilis. Nồng độ bụi PM2.5 và PM10 sau đó được đánh giá; 2) Khảo sát mức độ tiêu thụ điện năng cho thiệt bị ĐHKK, từ đó tính toán chi phí sử dụng điện cho từng hộ gia đình theo ngày, tháng và năm. Tóm tắt của đề tài này xem tại đây.

Hai đề tài tiếp theo trong nhóm này được trao giải ba, hướng dẫn bởi ThS. Nguyễn Huy Tiến. Nhóm nghiên cứu tham khảo các tài liệu hướng dẫn thiết kế thiết kế hệ thống thông gió từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc,.... Sau đó áp dụng, hiệu chỉnh các phương pháp, và đề xuất các giá trị thông số nhằm sử dụng làm tiêu chuẩn hướng dẫn thiết kế tính toán lưu lượng cho hệ thống tăng áp cầu thang bộ trong nhà cao tầng, và cho hệ thống thông gió phòng mổ, trong khi tiêu chuẩn thiết kế hệ thống này ở Việt nam hiện còn chưa quy định đầy đủ, chi tiết. Tóm tắt các đề tài này đang được cập nhật.

Hội đồng nghiệm thu số 02 và các em sinh viên - ThS. Nguyễn Thành Trung (Chủ tịch hội đồng); ThS. Hoàng Tuấn Việt (Ủy viên thư ký); ThS. Hoàng Ngọc Hà (Ủy viên); TS. Phạm Duy Đông (Ủy Viên); TS. Phạm Văn ĐỊnh (Ủy viên)

Một nghiên cứu khác cũng cập nhật nhanh chóng xu hướng sử dụng phần mềm mô phỏng trong nghiên cứu – “Nghiên cứu ứng dụng phần mềm mô phỏng Flovent để chọn vị trí tối ưu đặt dàn nóng trong hệ thống điều hòa không khí Variable Refrigerant Volume (VRV) giải nhiệt gió”. Đề tài nghiên cứu này được trao giải ba tiếp theo trong nhóm chủ đề này, được hướng dẫn bởi TS. Bùi Thị Hiếu và ThS. Hoàng Tuấn Việt. Nhóm sử dụng phần mềm mô phỏng cơ học chất lưu Flovent – một công cụ mạnh có thể mô phỏng nhanh chóng và chính xác hệ thống ĐHKK. Trường nhiệt độ xung quanh dàn nóng của hệ thống ĐHKK VRV giải nhiệt gió của một công trình 9 tầng ở Hà nội được mô phỏng bởi Flovent. Sau đó, mức độ giảm về công suất lạnh của các tổ hợp dàn nóng được ước tính. Từ đó, nhóm nghiên cứu chỉ ra các yếu tố nhiệt độ không khí ngoài nhà, và vị trí bố trí các dàn nóng (khoảng cách giữa các dàn nóng) là những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến năng suất làm lạnh của hệ thống điều hòa không khí (ĐHKK). Từ đó, một phương án bố trí dàn nóng tối ưu được đề xuất. Tóm tắt của đề tài này xem tại đây.

Thông gió kết hợp thu hồi nhiệt là giải pháp đang được quan tâm và thu hút rất lớn từ chủ đầu tư nhằm tiết kiệm năng lượng. Nắm bắt được xu thế này, nhóm nghiên cứu hướng dẫn bởi ThS. Phạm Minh Chinh thực hiện một nghiên cứu để đánh giá mức độ tiết kiệm năng lượng của giải pháp thông gió, thu hồi nhiệt cho các không gian chức năng khác nhau theo điều kiện khí hậu Hà Nội. Tóm tắt của đề tài này xem tại đây. Một nghiên cứu được trao giải ba tiếp theo nhằm tối ưu vận hành tiết kiệm hệ thống ĐHKK thuộc về nhóm nghiên cứu hướng dẫn bởi ThS. Nguyễn Thành Trung và ThS. Trần Đức Minh Hải. Nghiên cứu này áp dụng ống CPVC cho ống cấp nước sinh hoạt và ống cấp nước của hệ thống ĐHKK trung tâm để vận hành tiết kiệm và an toàn vệ sinh. Tóm tắt của đề tài đang cập nhật.

Vận hành hệ thống kỹ thuật ngoài nhà nhằm tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí cũng quan trọng không kém các hệ thống kỹ thuật bên trong nhà. Ở mảng đề tài này, nhóm nghiên cứu được hướng dẫn bởi TS. Phạm Tuấn Hùng và ThS. Ứng Thị Thúy Hà đóng góp cho hội nghị năm nay 01 đề tài. Đề tài này nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bản quận Đống đa, Tp. Hà nội, và được trao giải ba. Xem tóm tắt của đề tài này tại đây. Mặc dù, hệ thống cấp nước sạch đô thị rất quan trọng, đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm nghiên cứu. Nhưng hội nghị năm nay chỉ thu hút 01 đề tài thuộc nhóm này. Cho nên, mảng đề tài này được đánh giá là khá màu mỡ, nên có nhiều nghiên cứu sâu hơn được tiến hành. 

Hội đồng nghiệm thu số 03 và các em sinh viên - TS. Hoàng Minh Giang (Chủ tịch hội đồng); ThS. Nguyễn Văn Duy (Ủy viên thư ký); TS. Nguyễn Lan Hương (Ủy viên); ThS. Nguyễn Thị Huệ (Ủy Viên); ThS. Phạm Minh Chinh (Ủy viên)

Việt Nam đang bước vào thời kì công nghiệp hóa-hiện đại hoá đất nước, việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển cũng dẫn tới những vấn đề gây ra sự ô nhiễm môi trường từ rác thải thải sinh hoạt, và từ phát thải bởi phương tiện giao thông... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 02 đề tài được hội đồng đánh giá cao và trao giải nhì sau đây lần lượt thuộc về 02 nhóm sau: 1) Nhóm TS. Phạm Văn Định hướng dẫn (xem tóm tắt tại đây) với đề tài nghiên cứu công nghệ phân hủy kỵ khí rác thải hữu cơ có khả năng phân hủy sinh họcMục đích của nghiên cứu này là xem xét tính khả thi của phương pháp phân hủy kị khí phân pha để xử lý chất thải rắn thực vật; và 2) Nhóm hướng dẫn bởi ThS. Nguyễn Thị Huệ (xem tóm tắt tại đây) với đề tài Nghiên cứu nồng độ Cacbon đen thải ra giữa xe máy và xe con. Đây là hai đề tài được đánh giá cao bởi sự đóng góp về số liệu đo đạc, mô hình thực tế và tính ứng dụng cao trong việc giải quyết vấn đề nghiên cứu đặt ra.

Hệ thống quản lý và thu gom chất thải rắn không hiệu quả dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu nhằm xác định thành phần, tính chất của chất thải rắn sinh hoạt khu vực phía Nam thành phố Hà Nội, hướng dẫn bởi TS. Hoàng Minh Giang. Xem tóm tắt đề tài tại đây. Khảo sát hiện trạng và xác định lượng phát sinh chất thải rắn hộ gia đình tại thành phố Phủ Lý – tỉnh Hà Nam nhằm xác định lượng phát sinh chất thải rắng, đồng thời đề xuất ra 1 số giải pháp nhằm quản lý tốt hướng dẫn bởi TS. Nguyễn Phương Thảo và ThS. Hoàng Ngọc Hà. Hai đề tài này được trao giải ba. Xem tóm tắt đề tài tại đây.

Vấn đề quy hoạch các hồ chứa, đập thủy thủy điện ở nước ta cũng được quan tâm nghiên cứu. Đề tài cuối cùng thuộc 15 đề tài báo cao đợt này sử dụng công cụ thông tin địa lí QGIS để đưa ra đánh giá tác động môi trường của công tác quy hoạch thủy điện dẫn dòng quy mô nhỏ và đưa ra các khuyến nghị về quy hoạch phát triển thủy điện quy mô nhỏ nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Đề tài được hướng dẫn bởi TS. Nguyễn Lan Hương giành giải ba. Xem tóm tắt đề tài tại đây.

Tất các đề tài tham gia đợt này đều giải quyết tốt vấn đề nghiên cứu đặt ra, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn đồng thời gợi mở cho các nghiên cứu khác được thực hiện trong tương lai.

Dự kiến hội nghị nghiệm thu báo cáo các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đợt 2 diễn ra vào tháng 10 tới đây. Các em sinh viên, và quý vị quan tâm...hãy theo dõi thường xuyên thông tin mới nhất được cập nhật tên website này.

 

Ban Truyền Thông Khoa Kỹ Thuật Môi Trường

Hoàng Việt

Trọng Đại (63HK2)