Thư mời tham gia toạ đàm “KHI NGƯỜI TRẺ LÀM KHOA HỌC XANH”

 

Thân gửi các bạn sinh viên,

Nhắc đến hoạt động thanh niên, chúng ta hay nghĩ tới các chiến dịch truyền thông, những buổi tập huấn, hay các cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, thanh niên hiện nay còn đang ngày càng nhiệt huyết trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong chủ đề môi trường nhằm đóng góp vào lĩnh vực có vai trò rất quan trọng đối với tiến trình hướng tới một Việt Nam xanh.

Để tìm hiểu nhiều hơn về câu chuyện này, mời bạn cùng đăng ký tham gia buổi tọa đàm được phối hợp tổ chức bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Đại học Thủy Lợi:

Tại buổi tọa đàm lần này, chúng ta sẽ cùng lắng nghe chia sẻ của các khách mời:

 

 

  • Điều phối sự kiện: chị Nhật Hà - phóng viên Tạp chí Tia Sáng

Chị Hà là người có đam mê với cả hai lĩnh vực công nghệ và môi trường. Chị gói gọn kinh nghiệm của mình khi hoạt động trong hai lĩnh vực này bằng cụm từ “thử thách” và “thú vị”. Chị hiểu được rằng công nghệ có sức mạnh đưa ra những giải pháp hứa hẹn để giải quyết những vấn đề môi trường nhức nhối, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng chỉ công nghệ thôi là không đủ. Sau hơn 5 năm tham gia các hoạt động đào tạo, truyền thông về nghiên cứu khoa học liên quan đến phát triển bền vững, hiện nay chị đang cùng Live & Learn theo đuổi các hoạt động thúc đẩy chính sách không khí sạch cho Hà Nội và Việt Nam.

  • Khách mời: PGS. TS. Trần Thị Tuyết Hạnh (PGS) - Giảng viên trường Đại học Y tế Công cộng, Hà Nội

Ngoài công việc giảng dạy, chị Hạnh còn là Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Phát triển của trường. Chị là phản biện cho hơn 10 tạp chí khoa học quốc tế uy tín trên thế giới, và đã có gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy về Sức khỏe môi trường. Tới nay chị Hạnh đã chủ nhiệm, điều phối, triển khai hơn 20 dự án nghiên cứu khoa học hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu của Anh, Canada, Thụy Điển, Thái Lan… và các tổ chức ở Việt Nam. PGS. Tuyết Hạnh đã công bố gần 50 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có phản biện quốc tế và 30 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có phản biện trong nước.

  • Và đại diện các nhóm sáng kiến:

Bạn Đoàn Ngọc Anh, Đại diện nhóm dự án Nghiên cứu diễn biến nồng độ bụi mịn PM2.5 và chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Việt Nam trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá CLKK (tập trung vào nồng độ bụi mịn PM2.5 và chỉ số (AQId) của Việt Nam (tập trung vào 3 tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) trước, trong và sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Nghiên cứu ngày cũng điều tra sự ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng (nhiệt độ không khí xung quanh và vận tốc gió) lên nồng độ bụi PM2.5.

Chị Lê Thị Hảo - Nhóm Thanh niên hành động vì biến đổi khí hậu 

Chị Hảo hiện đang là giáo viên tại trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, đại diện cho dự án Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông làm tăng năng suất muối cho bà con nhân dân vùng sản xuất muối ven biển. Dự án được thực hiện với mong muốn làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong quá trình sản xuất muối, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân sản xuất.

Anh Tạ Ngọc Ly - Đại diện nhóm SHBK - Dự án Sản xuất phân hữu cơ sinh học từ lông gà thải nhằm ngăn ngừa ô nhiễm trong hoạt động giết mổ gia cầm.

Bằng cách biến lông gà thải thành phân bón sinh học, sẽ giúp giảm thiểu lượng lông gà thải ra môi trường và tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ nền nông nghiệp hữu cơ, dự án đặt mục tiêu phát triển phương án sản xuất không chất thải và gia tăng chuỗi giá trị của nghề chăn nuôi chế biến gia cầm, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Ngoài ra, nghiên cứu này giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm phục vụ nông nghiệp hữu cơ do đó góp phần hạn chế biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Bạn Nguyễn Thanh Tú - Nhóm đánh giá thiệt hại ngập lụt 

Tú đại diện cho Dự án Nghiên cứu ứng dụng giải đoán ảnh viễn thám trong xây dựng bản đồ thiệt hại ngập lụt Thành phố Cần Thơ. Bản đồ ngập lụt và thiệt hại ngập lụt từ nghiên cứu là công cụ hữu hiệu để những nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và người dân Thành phố Cần Thơ sử dụng như một cuốn cẩm nang về ngập lụt nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định, xây dựng phương án ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu thiệt hại ngập lụt một cách hiệu quả.

--------------------

Chuỗi tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Thế Hệ Xanh - Thúc đẩy Thế hệ trẻ Hành động vì Khí hậu và Năng lượng bền vững” được Live & Learn điều phối thực hiện trong năm 2021 với nguồn lực từ Đại sứ quán Đan Mạch.

Xem thông tin chi tiết về chuỗi tọa đàm tại: 

http://thehexanh.net/chuoi-04-toa-dam-thanh-nien-thang-muoi-hai/ 

Ban Truyền thông Khoa Kỹ thuật Môi trường